A5K36_Yên Phong_Bắc Ninh
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Kỷ nguyên vô cực - Ai sẽ lên ngôi thay Mỹ?

Go down

Kỷ nguyên vô cực - Ai sẽ lên ngôi thay Mỹ? Empty Kỷ nguyên vô cực - Ai sẽ lên ngôi thay Mỹ?

Bài gửi  bachduong_m Wed May 28, 2008 8:58 am

- Phần 1
Nét đặc trưng quan trọng trong quan hệ quốc tế ở thế kỷ XXI là sự chuyển dần sang thế vô cực: một thế giới được thống trị không phải do một hay hai hay thậm chí vài quốc gia, mà là một loạt các quốc gia, sở hữu và sử dụng những loại quyền lực khác nhau. Điều này thể hiện một sự thay đổi mang tính kiến tạo so với những gì từng diễn ra trong quá khứ.

Thế kỷ hai mươi đã khởi đầu một thế đa cực rất rõ ràng. Nhưng sau gần 50 năm, với hai cuộc thế chiến và rất nhiều xung đột lớn nhỏ, một hệ thống hai cực nổi lên. Sau đó, với sự kết thúc của cuộc Chiến tranh lạnh và sự tan rã của Liên Xô, thế hai cực nhường ngôi cho thế đơn cực – một hệ thống quốc tế do một thế lực thống trị - trong trường hợp này chính là Mỹ. Nhưng ngày nay quyền lực đang bị khuếch tán, và sự nổi lên của thế vô cực đang dấy rất nhiều câu hỏi quan trọng. Thế vô cực khác biệt như thế nào so với những loại hình trật tự quốc tế khác? Nó đã trở thành hiện thực thế nào và tại sao? Hệ quả của nó là gì? Và Mỹ nên “phản ứng” như thế nào?

Trật tự thế giới mới hơn

Ngược với thế đa cực – trật tự có sự tham gia của một vài cực hay sự tập trung quyền lực – một hệ thống quốc tế vô cực lại được đặc trưng bởi một loạt các trung tâm quyền lực có ý nghĩa.

Trong một hệ thống đa cực, hoặc là sẽ không có quyền lực nào thống trị, hoặc là hệ thống sẽ trở thành đơn cực. Hoặc là không tập trung quyền lực quay tròn xung quanh hai vị trí, hoặc là hệ thống sẽ trở thành hai cực. Các hệ thống đa cực có thể hợp tác, thậm chí là dưới hình thức phối hợp của các cường quốc, trong đó một số cường quốc chủ yếu cùng nhau đặt ra luật chơi và kỷ luật những ai vi phạm luật chơi. Hệ thống này cũng có thể mang tính cạnh tranh hơn, quay quanh sự cân bằng của quyền lực, hoặc mâu thuẫn, khi sự cân bằng bị phá vỡ.

Nhìn thoáng qua, thế giới ngày nay dường như là đa cực. Các cường quốc chủ yếu – Trung Quốc, EU, Ấn Độ, Nhật Bản, Nga và Mỹ - chiếm hơn một nửa dân số thế giới và chiếm 75% GDP toàn cầu cũng như 80% chi tiêu quân sự toàn cầu. Tuy vậy, vẻ bề ngoài này có thể đang đánh lừa chúng ta. Thế giới ngày nay khác biệt một cách căn bản so với một trong những thế đa cực cổ điển: có nhiều trung tâm quyền lực hơn, và trong số những cực này khá nhiều không phải là quốc gia, lãnh thổ. Thực sự thì, một trong những đặc điểm cốt yếu của hệ thống quốc tế đương thời là các quốc gia, lãnh thổ đã đánh mất tính độc quyền về quyền lực và ở một số nơi họ còn đánh mất cả những thuộc tính nổi trội của mình nữa. Các quốc gia đang gặp những thách thức từ phía trên, các tổ chức khu vực và toàn cầu; và từ phía dưới, các phiến quân; và từ bên cạnh, một loạt các tổ chức phi chính phủ (NGOs) và các tập đoàn. Ngày nay người ta có thể nhìn thấy quyền lực ở nhiều nơi, nhiều thế lực.

Cùng với sáu cường quốc thế giới chủ yếu kể trên, còn có rất nhiều cường quốc cấp khu vực: Brazil, và có thể là Argentina, Chile, Mexico, và Venezuela ở Mỹ Latinh; Nigeria và Nam Phi ở châu Phi; Ai Cập, Iran, Israel và Ảrập Xêút ở Trung Đông; Pakistan ở Nam Á; Australia, Indonesia và Hàn Quốc ở Đông Á và châu đại dương. Cũng có rất nhiều tổ chức có thể có tên trong danh mục các trung tâm quyền lực, bao gồm cả những tổ chức toàn cầu (Qũy tiền tệ quốc tế, Liên Hợp Quốc, và Ngân Hàng Thế giới), và cả các tổ chức khu vực (Liên minh châu Phi, Liên đoàn Ảrập, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, EU, Tổ chức các nước châu Mỹ, Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á) và các tổ chức có tính chất chức năng (Cơ quan năng lượng quốc tế, OPEC, Tổ chức hợp tác Thượng Hải, Tổ chức Y tế Thế giới). Tương tự với những bang nằm trong liên bang như California hay Uttar Pradesh ở Ấn Độ, và các thành phố như New York, Sao Paulo, và Thượng Hải. Rồi đến các công ty toàn cầu lớn, bao gồm những công ty thống trị năng lượng, tài chính và sản xuất của thế giới. Các thực thể khác cũng góp phần vào hệ thống quyền lực này là các hãng truyền thông toàn cầu (aL Jazeera, BBC, CNN), các phiến quân lớn (Hamas, Hezbollah, Quân đội Mahdi, Taliban), các đảng phái chính trị, các thể chế và phong trào tôn giáo, các tổ chức khủng bố (al Qaeda), các tập đoàn dược phẩm, và các Tổ chức phi chính phủ mang tính từ thiện (như Tổ chức Bill và Melinda Gates, Tổ chức Bác sĩ không biên giới, Hòa bình xanh). Thế giới ngày nay đang ngày càng biến đổi theo hướng phân bổ quyền lực chứ không phải là tập trung quyền lực.

Trong thế giới này, Mỹ đang và sẽ tiếp tục duy trì lâu dài vai trò khối quyền lực đơn lẻ lớn nhất. Quốc gia này chi hơn 500 tỉ USD hàng năm cho hoạt động quân sự, và hơn 700 tỉ USD đô la Mỹ nếu tính cả hoạt động ở Afghanistan và Iraq và luôn tự hào là có đất đai, bầu trời và lực lượng quân sự có năng lực nhất thế giới. Nền kinh tế Mỹ, với GDP đạt khoảng 14 nghìn tỉ USD, là nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới. Mỹ cũng là nguồn văn hóa (thông qua phim ảnh và truyền hình), thông tin và cải tiến lớn trên thế giới. Nhưng thực tế về sức mạnh của Mỹ cũng không thể che giấu được sự thật là vị thế trên thế giới của Mỹ đang ngày càng tụt dốc - và cùng với sự tụt dốc tương đối về quyền lực là sự tụt dốc rõ ràng về ảnh hưởng và tính độc lập. Thị phần nhập khẩu toàn cầu của Mỹ đã giảm còn 15%. Mặc dù GDP của Mỹ chiếm hơn 25% tổng GDP thế giới, nhưng căn cứ vào thực tế và sự chênh lệch giữa tỉ lệ tăng trưởng của Mỹ và các đại gia châu Á và nhiều quốc gia khác, mà phần lớn trong số đó có tỉ lệ tăng trưởng gấp đôi hoặc gấp ba tỉ lệ tăng trưởng của Mỹ, thì thị phần này chắc chắn sẽ giảm theo thời gian.

Tăng trưởng GDP không phải là dấu hiệu duy nhất của quá trình tách khỏi “đế chế” kinh tế do Mỹ thống trị. Sự lớn mạnh của các quỹ phúc lợi có chủ quyền - ở các quốc gia như Trung Quốc, Kuwait, Nga, Ảrập Xêút, và Các tiểu Vương quốc Ảrập thống nhất - là một dấu hiệu khác. Những quỹ phúc lợi do chính phủ kiểm soát này, phần lớn là nhờ dầu mỏ và khí ga, hiện đã trị giá tổng số 3 nghìn tỉ USD. Dự tính chúng sẽ tăng trưởng ở mức một nghìn tỉ USD một năm và đang trở thành một nguồn thanh khoản ngày càng quan trọng đối với các công ty Mỹ. Giá nhiên liệu cao, phần lớn là do nhu cầu tăng cao của Trung Quốc và Ấn Độ, cho thấy quy mô và tầm quan trọng của các quỹ này sẽ còn tiếp tục lớn mạnh. Các hình thức trao đổi bằng chứng khoán thay thế đang phát triển rầm rộ và hút các công ty ra khỏi thị trường chứng khoán Mỹ và thậm chí còn tổ chức nhiều đợt phát hành cố phiếu đầu tiên (IPO). Cụ thể là London đang cạnh tranh với New York để dành vị trí trung tâm tài chính thế giới và đã vượt qua New York về phương diện tổng số công ty phát hành IPO mà thành phố này tổ chức. Đồng đô la Mỹ đang yếu dần so với đồng euro và bảng Anh, và trong tương lai cũng sẽ giảm giá trị so với các đồng tiền châu Á. Phần lớn chứng khoán trên thế giới hiện nay được thể hiện giá trị bằng các đồng tiền khác thay vì đồng đô la Mỹ và một sự chuyển dịch có tên gọi là dầu thô bằng đồng euro hay một rổ tiền tệ là có thể xảy ra, một bước đẩy nền kinh tế Mỹ vào tình trạng nguy hiểm hơn: lạm phát và khủng hoảng tiền tệ.

Địa vị của Mỹ cũng phải đối mặt với các thách thức khác như tính hiệu quả của quân đội và ngoại giao. Thước đo chi tiêu cho quân đội không thể đồng nhất với thước đo năng lực của quân đội. Sự kiện ngày 11/9/2001 đã cho thấy thế lực khủng bố chỉ cần đầu tư một chút đã có thể gây ra mức độ tổn thất cả về vật chất và con người to lớn như thế nào. Rất nhiều thứ vũ khí hiện đại đắt tiền nhất không thực sự hữu ích trong các cuộc xung đột hiện đại trong đó, các chiến trường truyền thống đang được thay thế bằng các trận chiến trong khu vực thành thị. Trong những môi trường như vậy, số đông lính được trang bị vũ khí hạng nhẹ lại tỏ ra thích hợp hơn số ít quân đội Mỹ được trang bị và huấn luyện tốt hơn.

Quyền lực và ảnh hưởng ngày càng ít liên hệ với nhau hơn trong kỷ nguyên vô cực. Việc Mỹ kêu gọi các quốc gia khác cải tổ sẽ có xu hướng "nước đổ lá khoai", các thể chế do Mỹ thống trị sẽ bị giảm hiệu quả. Cuối cùng, Trung Quốc đã chứng minh mình là quốc gia có khả năng gây ảnh hưởng lớn nhất tới chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Khả năng gây áp lực của Washington đối với Tehran chỉ dần mạnh lên khi có sự tham gia của một số các quốc gia tây Âu, nhưng lại đang yếu dần đi Trung Quốc và Nga vẫn miễn cưỡng trong việc cấm vận Iran.

Xu hướng này cũng mở rộng tới thế giới của văn hóa và thông tin. Hàng năm Bollywood sản xuất nhiều phim hơn Hollywood. Các chương trình có thể thay thế cho các kênh truyền hình do Mỹ sản xuất và phổ biến đang ngày càng phát triển. Các website và blog từ các quốc gia cũng tạo ra sự cạnh tranh ngày càng lớn đối với tin tức do Mỹ sản xuất.
bachduong_m
bachduong_m

Tổng số bài gửi : 162
Join date : 29/01/2008
Age : 41
Đến từ : Yên Phong - Băc Ninh

http://blog.360.yahoo.com/blog-lJB2SNs0ba_vaNH20COOvtFErimT5E8-;

Về Đầu Trang Go down

Kỷ nguyên vô cực - Ai sẽ lên ngôi thay Mỹ? Empty tiếp theo

Bài gửi  bachduong_m Wed May 28, 2008 9:00 am

Vĩnh biệt chủ nghĩa đơn cực

Charles Krauthammer đúng đắn hơn ông nghĩ khi viết về thứ mà ông gọi là “khoảng khắc đơn cực” cách đây gần hai thập kỷ. Vào thời điểm đó, sự thống trị của Mỹ là có thật. Nhưng nó chỉ kéo dài trong 15 hay 20 năm. Đặt trong cả tiến trình lịch sử, nó chỉ là một khoảnh khắc. Lý thuyết duy thực truyền thống có thể dự đoán được sự kết thúc của thế đơn cực và bình minh của một thế giới đa cực. Theo lập luận này, khi các cường quốc hành động như họ đã quen làm, họ sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh từ phía những quốc gia e ngại hoặc phẫn nộ với họ. Chỉ riêng về giả thuyết này, Krauthammer đã viết rằng: “Không nghĩ ngờ gì, thế đa cực sẽ xuất hiện đúng lúc. Có thể trong một hai thế hệ nữa sẽ có những cường quốc đứng ngang hàng với Mỹ, và về mặt cơ cấu, thế giới sẽ tương tự như kỷ nguyên tiền thế chiến thứ nhất.

Nhưng điều này chưa xảy ra. Mặc dù tư tưởng chống Mỹ đang lan rộng, nhưng chưa có một hay một tập hợp đối thủ quyền lực nào nổi lên thách thức Mỹ. Một phần là do sự cách biệt giữa quyền lực của Mỹ với quyền lực của bất kỳ đối thủ tiềm năng nào đều là quá lớn. Theo thời gian, các nước như Trung Quốc sẽ dần sở hữu GDP tương đương với Mỹ. Nhưng trong trường hợp của Trung Quốc, phần lớn sự giàu có này sẽ lại phân phối cho dân số khổng lồ của nước này (phần lớn vẫn còn nghèo) và sẽ không có sẵn để đầu tư phát triển quân đội hay đối ngoại. Duy trì sự ổn định chính trị trong giai đoạn kinh tế tăng trưởng năng động nhưng hay biến động không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Ấn Độ phải đối mặt với nhiều thách thức nhân khẩu học tương tự và nền kinh tế đang bị kìm hãm do thói quan liêu và cơ sở hạ tầng quá nghèo nàn. GDP của EU hiện đã vượt Mỹ, nhưng EU không hoạt động dưới hình thức một quốc gia lãnh thổ thống nhất, hay có thể hoặc có khuynh hướng hành động theo cách thức của những quốc gia quyền lực trong lịch sử. Về phần mình, Nhật Bản lại đang có dân số giảm dần và già đi, đồng thời thiếu văn hóa chính trị để đóng vai trò là một quốc gia quyền lực. Nga có thể có nhiều xu hướng hơn, nhưng vẫn là một quốc gia dựa nhiều vào nông nghiệp, đang gặp gánh nặng do dân số giảm, và nhiều thách thức bên trong đối với sự cố kết.

Thực tế rằng sự kình địch cường quốc cổ điển sẽ không nổi lên sớm một phần là do cách hành xử của Mỹ, cách hành xử không kích động một cách phản ứng như vậy. Nói thế cũng không có nghĩa là nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống George W. Bush không khiến các quốc gia khác phải xa lánh. Nhưng phần lớn, Mỹ không hành động theo cách thức khiến các quốc gia khác kết luận rằng Mỹ tạo thành một mối nguy hiểm cho lợi ích quốc gia sống còn của họ. Tâm lý nghi ngờ đối với sự khôn ngoan và tính hợp pháp trong chính sách đối ngoại của Mỹ đang lan tràn, nhưng điều này có xu hướng dẫn tới sự phản đối kịch liệt (và không hợp tác) hơn là sự kháng cự thng thắn công khai.

Một lý do quan trọng hơn khiến các đối thủ quyền lực còn kiềm chế là vì đa phần các cường quốc lớn đang phụ thuộc vào hệ thống quốc tế để có được sự thịnh vượng kinh tế và ổn định chính trị. Vì thế, họ không muốn phá vỡ một trật tự đang phục vụ cho lợi ích quốc gia của họ. Những lợi ích này liên quan chặt chẽ tới những dòng chảy không biên giới về hàng hóa, dịch vụ, con người, năng lượng, đầu tư và công nghệ - những dòng chảy mà trong đó Mỹ đóng một vai trò tối quan trọng. Sự hội nhập trong một thế giới hiện đại đang hạn chế cạnh tranh và xung đột của các cường quốc.

Nhưng kể cả khi các đối thủ quyền lực không nổi lên thì thế đơn cực cũng đã kết thúc rồi. Có ba lời giải thích đáng chú ý cho sự “ra đi” của thế đơn cực. Thứ nhất là lý do lịch sử. Các quốc gia phát triển dần, họ dần trở lên hùng mạnh khi cùng hình thành và phối hợp với nhau về các nguồn tài nguyên con người, tài chính và công nghệ, những thứ tạo ra năng xuất và sự thịnh vượng. Điều tương tự cũng xảy ra với các tập đoàn và tổ chức khác. Sự nổi lên của những thế lực mới này là không thể ngăn chặn. Kết quả là một số lượng lớn hơn bao giờ hết các thành phần có khả năng sử dụng ở cấp độ khu vực hoặc toàn cầu.

Nguyên nhân thứ hai là do chính sách của Mỹ. Diễn giải tác phẩm Pogo của Walt Kelly - một nhân vật anh hùng hoạt hình hậu Thế chiến thứ II - chúng ta sẽ thấy lời giải thích và đó chính là chúng ta. Bằng cả những việc đã làm được và chưa làm được, Mỹ đang đẩy mạnh sự nổi lên của các trung tâm quyền lực thay thế trên thế giới và làm yếu dần chính vị thế của mình trước họ. Chính sách năng lượng của Mỹ (hay đúng hơn là sự thiếu hụt của chính sách đó) chính là nhân tố thúc đẩy sự kết thúc của thế đơn cực. Kể từ những cú sốc dầu mỏ đầu tiên những năm 1970, tiêu thụ dầu thô của Mỹ đã tăng lên xấp xỉ 20%, và quan trọng hơn, lượng nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Mỹ đã tăng hơn gấp đôi về khối lượng và gần gấp đôi so với tỉ lệ tiêu thụ. Sự tăng cầu đối với dầu thô nhập khẩu đã góp phần đẩy giá dầu thế giới từ mức chỉ hơn 20 USD một thùng lên hơn 100 USD một thùng trong vòng chưa đầy một thập kỷ. Kết quả là một cuộc chuyển dịch khổng lồ về của cải và động lực sang các quốc gia có dự trữ năng lượng. Tóm lại, chính sách năng lượng của Mỹ đã góp phần tạo ra các trung tâm quyền lực lớn trên thế giới, đó chính là các nhà sản xuất dầu mỏ và khí ga.

Chính sách kinh tế của Mỹ cũng là một thủ phạm. Tổng thống Bush đã chi tiêu quá nhiều cho các cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq, cho phép tăng chi tiêu tùy ý lên mức thường niên là 8%, và cắt giảm thuế. Kết quả là, vị thế tài chính của Mỹ đã tụt từ chỗ thặng dư hơn 100 tỉ USD năm 2001 tới chỗ thâm hụt ước tính xấp xỉ 250 tỉ USD năm 2007. Có lẽ con số thiết thực hơn cả chính là mức thâm hụt tài khoản hiện tại đang ở mức hơn 6% GDP. Điều này đã gây áp lực khiến đồng đôla Mỹ giảm giá trị, đẩy mạnh lạm phát, và góp phần tích lũy của cải và quyền lực ở những nơi khác trên thế giới. Quy định lỏng lẻo của thị trường cho vay ở Mỹ và cuộc khủng hoảng tín dụng mà nó gây ra đang làm trầm trọng thêm vấn đề.

Cuộc chiến Iraq cũng góp phần làm lu mờ vị thế của Mỹ trên thế giới. Cuộc chiến này đã chứng minh nó là một sự lựa chọn chiến tranh đắt đỏ - về mặt quân sự, kinh tế và ngoại giao cũng như các vấn đề con người. Nhiều năm trước, nhà sử học Paul Kennedy đã phác thảo luận thuyết của ông về “cánh cung đế quốc giương quá căng”, trong đó ông cho rằng Mỹ cuối vùng sẽ trượt dốc do đi quá xa – tình trạng mà các cường quốc khác đã từng gặp trong quá khứ. Mỹ - với tất cả những cơ chế tự sửa chữa và sự năng động của mình - vẫn chưa chứng minh được mình sẽ “miễn dịch” trước luận thuyết này. Không đơn giản chỉ là việc quân đội của Mỹ sẽ phải mất một thế hệ để khôi phục sau cuộc chiến Iraq, mà còn là việc Mỹ đang thiếu chế tài quân sự đủ mạnh để tiếp tục những gì đang làm ở Iraq.

Tóm lại, thế giới vô cực ngày nay không đơn giản là kết quả của quá trình nổi lên của các quốc gia và tổ chức khác hay sự thất bại hay sai lầm của chính sách Mỹ. Nó cũng là kết quả không thể tránh khỏi của toàn cầu hóa. Toàn cầu hoá làm tăng lượng, vận tốc, và tầm quan trọng của dòng chảy không biên giới về mọi thứ, từ thuốc men, thư điện tử, khí nhà kính, hàng hóa sản xuất và con người cho tới tín hiệu phát thanh, virus (thực và ảo), và vũ khí.

Toàn cầu hóa củng cố thế vô cực theo hai cách thức căn bản. Trước hết, nhiều dòng chảy không biên giới diễn ra ngoài tầm kiểm soát cũng như hiểu biết của các chính phủ. Kết quả là, toàn cầu hóa làm mờ nhạt ảnh hưởng của các cường quốc lớn. Thứ hai, những dòng chảy này thường tăng cường khả năng của các thành tố phi quốc gia, như các nhà xuất khẩu năng lượng (những người đang thu lợi từ các nhà nhập khẩu), khủng bố (những người đang dùng internet để tuyển dụng và đào tạo, dùng hệ thống ngân hàng quốc tế để chuyển tiền, và dùng hệ thống giao thông toàn cầu để chuyển người), các quốc gia ẩn mình (những người thu lợi từ chợ đen), và các công ty trong top 500 Fortune (những người đang nhanh chóng chuyển dịch nhân sự và đầu tư). Ngày càng rõ ràng là quốc gia mạnh nhất từ lâu đã không còn có nghĩa là độc quyền về quyền lực nữa. Đối với các cá nhân và nhóm người, việc tích lũy và thâu tóm nhiều quyền lực là điều dễ dàng hơn bao giờ hết.

(còn nữa)
Richard N. Haass *
Theo Foreign Affairs, số tháng 5-6/2008
Mai Hương dịch
bachduong_m
bachduong_m

Tổng số bài gửi : 162
Join date : 29/01/2008
Age : 41
Đến từ : Yên Phong - Băc Ninh

http://blog.360.yahoo.com/blog-lJB2SNs0ba_vaNH20COOvtFErimT5E8-;

Về Đầu Trang Go down

Kỷ nguyên vô cực - Ai sẽ lên ngôi thay Mỹ? Empty Phần 2

Bài gửi  bachduong_m Fri Jun 06, 2008 10:54 am

Vô cực sẽ khó khăn và nguy hiểm. Nhưng khuyến khích một mức độ hội nhập toàn cầu lớn hơn sẽ góp phần đẩy mạnh sự ổn định. Thành lập một nhóm chính phủ và các tổ chức nòng cốt tận tâm với chủ nghĩa đa phương hợp tác sẽ là một bước tiến lớn tới tương lai. Hãy gọi nó là “vô cực có dự tính”. Nó sẽ không xóa sổ thế vô cực, nhưng nó sẽ góp phần quản lý thế vô cực.
Sự lộn xộn của thế vô cực

Thế giới vô cực đang ngày càng lớn mạnh sẽ đưa đến những hệ quả tiêu cực cho Mỹ - và cho cả phần còn lại của thế giới. Washington sẽ ngày càng khó khăn để lãnh đạo trong những tình huống cần đến những phản ứng mang tính tập thể để đối phó với những thách thức khu vực và toàn cầu. Với quá nhiều thành phần sở hữu quyền lực đáng kể và đang cố gắng khẳng định ảnh hưởng của mình, rõ ràng việc xây dựng những phản ứng mang tính hợp tác và làm cho các thể chế hoạt động hiệu quả sẽ ngày càng khó khăn. Việc vòng đàm phán Doha về thương mại toàn cầu đi vào thế bế tắc chính là một ví dụ điển hình.

Thế vô cực cũng làm gia tăng các mối đe dọa và hiểm nguy mà một quốc gia như Mỹ phải đối mặt. Những nguy cơ này có thể xuất phát từ những quốc gia ẩn mình, các nhóm khủng bố, các nhà sản xuất năng lượng chọn cách giảm sản lượng, hoặc có thể là từ các ngân hàng trung ương – mà việc họ hoặt động hay không hoạt động đều có thể tạo ra những điều kiện gây ảnh hưởng tới vai trò và sức mạnh của đồng đô la Mỹ.

Iran cũng là một vấn đề. Nỗ lực trở thành một cường quốc hạt nhân của nước này chính là hậu quả của trạng thái vô cực. Nhờ giá dầu thô tăng vọt, Iran đã trở thành một trung tâm tập trung quyền lực đáng kể, nước có thể ảnh hưởng đến Iraq, Libăng, Syria và các vùng lãnh thổ của Palestine, cũng như xa hơn nữa là OPEC. Quốc gia này có rất nhiều nguồn công nghệ và tài chính và vô số các thị trường xuất khẩu năng lượng. Và vì thế vô cực, Mỹ không thể đối phó riêng với Iran. Thay vào đó, Mỹ lại phụ thuộc vào những thành phần quyền lực khác để họ ủng hộ việc trừng phạt về kinh tế và chính trị hay ngăn chặn sự tiếp cận của Iran với công nghệ và nguyên liệu hạt nhân. Vô cực lại sinh ra vô cực.

Tuy vậy, kể cả khi vô cực là không thể tránh khỏi, thì đặc tính của nó lại có thể. Diễn giải lời lý thuyết gia về các mối quan hệ quốc tế Hedley Bull, thì đời sống chính trị toàn cầu dù thế nào vẫn là sự pha trộn giữa tính hỗn loạn và và xã hội. Vấn đề là ở sự cân bằng và xu hướng. Có rất nhiều việc có thể và nên làm để tạo hình một thế giới vô cực. Trật tự sẽ không chỉ đơn giản là nổi lên. Ngược lại, nếu cứ để nó tự vận động, một thế giới vô cực sẽ ngày càng trở lên hỗn loạn hơn.

Mỹ có thể và nên có các bước đi để giảm thiểu nguy cơ thế giới vô cực sẽ trở thành một cái vạc bất ổn. Đây không phải là một lời kêu gọi chủ nghĩa đơn phương; mà là một lời kêu gọi Mỹ hãy tự sắp xếp ngôi nhà của mình. Đơn cực đã là quá khứ, nhưng Mỹ vẫn nắm trong tay nhiều khả năng hơn bất kỳ ai để cải thiện chất lượng của hệ thống quốc tế. Vấn đề là liệu Mỹ có tiếp tục nắm giữ những khả năng này không.

Năng lượng là vấn đề quan trọng nhất. Mức độ tiêu dùng và nhập khẩu hiện thời của Mỹ (cùng với những tác động bất lợi của chúng đối với khí hậu thế giới) đã tiếp sức cho thế vô cực thông qua việc đổ một nguồn tài chính khổng lồ vào các nhà sản xuất ga và dầu thô. Giảm tiêu dùng sẽ làm giảm áp lực lên giá cả thế giới, giảm nguy cơ thị trường Mỹ phải chạy theo các nhà cung cấp dầu thô và làm chậm sự thay đổi khí hậu. Tin tốt lành là điều này có thể được thực hiện mà không gây tổn hại tới nền kinh tế Mỹ.

Tăng cường an ninh quốc gia cũng là điều rất quan trọng. Chủ nghĩa khủng bố, giống như một căn bệnh, không thể bị triệt tiêu. Sẽ luôn luôn có những người không thể hòa nhập với xã hội và theo đuổi những mục tiêu không được chấp nhận trong đời sống chính trị truyền thống. Và đôi khi, cho dù những người chịu trách nhiệm về an ninh quốc gia đã cố gắng hết sức, khủng bố vẫn thành công. Vì thế, điều cần thiết là những bước đi làm cho xã hội vững vàng hơn, một điều đòi hỏi nguồn vốn đầy đủ, đào tạo khả năng phản ứng trong hoàn cảnh cấp bách và cơ sở hạ tầng mềm dẻo và bền bỉ hơn. Mục tiêu nên là giảm thiểu hậu quả của cả những cuộc tấn công thành công.

Chống lại sự lan rộng của vũ khí hạt nhân và các nguyên liệu hạt nhân không được bảo vệ, với tiềm năng hủy diệt của chúng, có thể quan trọng không kém bất cứ một nhiệm vụ nào khác. Bằng việc thiết lập các ngân hàng năng lượng hay uranium giàu được quản lý quốc tế cho phép các quốc gia tiếp cận với các nguồn nguyên liệu hạt nhân nhạy cảm, cộng đồng quốc tế sẽ giúp các quốc gia sử dụng năng lượng hạt nhân để sản xuất ra điện thay vì bom.

Tuy nhiên, câu hỏi về việc sử dụng lực lượng quân đội để phá hủy các địa điểm tình nghi sản xuất vũ khí sinh học hay vũ khí hạt nhân vẫn còn đó. Tấn công phủ đầu – tấn công nhằm ngăn chặn nguy cơ có thể xảy ra – đang dần được chấp nhận rộng rãi hơn như một hình thức tự bảo vệ. Tấn công phòng ngừa - tấn công các cơ sở tình nghi khi không có dấu hiệu cho thấy các cơ sở đó được sử dụng - nhìn chung cũng là một kiểu như vậy. Bên cạnh những câu hỏi về tính khả thi, các cuộc tấn công phòng ngừa có xu hướng làm cho thế giới vô cực trở nên kém ổn định hơn, một phần là do các cuộc tấn công này thực ra lại khuyến khích sự phổ biến vũ khí hạt nhân (nhiều chính phủ có thể cho rằng phát triển hoặc sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ làm nhụt chí các ý đồ tấn công) và một phần là bởi vì chúng sẽ làm suy yếu quy tắc tốn tại đã lâu chống lại việc sử dụng lực lượng quân đội cho các mục đích khác ngoại mục đích để tự bảo vệ.
(còn nữa)
bachduong_m
bachduong_m

Tổng số bài gửi : 162
Join date : 29/01/2008
Age : 41
Đến từ : Yên Phong - Băc Ninh

http://blog.360.yahoo.com/blog-lJB2SNs0ba_vaNH20COOvtFErimT5E8-;

Về Đầu Trang Go down

Kỷ nguyên vô cực - Ai sẽ lên ngôi thay Mỹ? Empty tiếp theo

Bài gửi  bachduong_m Fri Jun 06, 2008 10:54 am

Cuộc chiến chống khủng bố cũng cần thiết để kỷ nguyên vô cực không biến thành Kỷ nguyên đen tối hiện đại. Có rất nhiều cách để làm suy yếu các tổ chức khủng bố đang tồn tại bằng cách sử dụng tin tức tình báo, tăng cường thi hành luật pháp và khả năng của quân đội. Nhưng cuộc chiến vẫn sẽ thất bại nếu không có các biện pháp ngăn chặn việc tuyển mộ của chủ nghĩa khủng bố. Các bậc phụ huynh, các lãnh đạo tôn giáo, và các lãnh đạo chính trị cần coi chủ nghĩa khủng bố là vi phạm pháp luật và làm cho những người chọn đi theo chủ nghĩa khủng bố thấy xấu hổ. Và quan trọng hơn, chính quyền cần phải tìm cách giúp những người trẻ tuổi thần kinh không bình thường hòa nhập vào xã hội, tạo cho họ các cơ hội về chính trị và kinh tế.

Thương mại có thể là một công cụ mạnh để hội nhập. Nó giúp các quốc gia tránh được xung đột vì sự bất ổn có thể ảnh hưởng xấu đến các thỏa thuận thương mại có lợi, tạo ra nhiều của cải hơn và củng cố nền tảng trật tự chính trị trong nước. Thương mại cũng thúc đẩy sự phát triển, qua đó làm giảm nguy cơ tụt hậu và cô lập trong nhân dân. Phạm vi của Tổ Chức Thương Mại Thế giới cần phải được mở rộng thông qua quá trình đàm phán về các thỏa thuận toàn cầu trong tương lai, nhằm giảm thiểu bao cấp, giảm các rào cản thuế quan và phi thuế quan. Xây dựng sự hỗ trợ chính trị trong nước dành cho những đàm phán như thế ở các quốc gia phát triển sẽ đòi hỏi sự mở rộng các mạng lưới an toàn khác nhau, bao gồm cả chăm sóc y tế di động và quỹ hưu trí, hỗ trợ giáo dục và đào tạo, bảo hiểm lương. Những cải tiến chính sách xã hội này rất tốn kém và trong một số trường hợp là không xác đáng (nguyên nhân của thất nghiệp sắp tới sẽ là sự cải tiến công nghệ chứ không phải là cạnh tranh quốc tế nữa), nhưng vẫn đáng có.

Cũng cần phải có nỗ lực tương tự để đảm bảo dòng chảy đầu tư được tiếp tục. Mục tiêu nên là tạo ra một Tổ chức đầu tư thế giới để khuyến khích dòng vốn đầu tư xuyên biên giới, qua đó giảm thiểu cơ hội mà “chủ nghĩa bảo hộ đầu tư” thu được qua những hoạt động mang lại lợi ích kinh tế như thương mại và dựng lên những bức tường chính trị chống lại sự bất ổn. Một Tổ chức đầu tư thế giới có thể khuyến khich sự minh bạch của các nhà đầu tư, xác định khi nào an ninh quốc gia là lý do xác đáng để ngăn chặn hay hạn chế đầu tư nước ngoài và thiết lập một cơ chế giải quyết tranh chấp.

Cuối cùng, Mỹ cần phải tăng cường khả năng ngăn ngừa sự thất bại và phải luôn sẵn sàng đương đầu với những hậu quả. Điều này đòi hỏi phải xây dựng và duy trì một lực lượng quân đội hùng mạnh hơn, một lực lượng có đủ khả năng đối phó với loại nguy cơ Mỹ đã phải đối mặt tại Afghanistan và Iraq. Điều đó cũng có nghĩa là cần thiết lập chính quyền dân sự bên cạnh quân đội để tập hợp các tài năng trong công cuộc xây dựng đất nước. Tiếp tục hỗ trợ kinh tế và quân sự sẽ là vô cùng cần thiết để giúp đỡ các quốc gia yếu kém có thể đáp ứng trách nhiệm của họ với công dân trong nước và quốc gia láng giềng.

Cường quốc không cô đơn

Chủ nghĩa đa phương sẽ là cần thiết để đối phó với một thế giới vô cực. Mặc dù để thành công, chủ nghĩa này cần phải được xem xét lại để thu nhận thêm những thành tố khác ngoài các cường quốc lớn. Hội đồng bảo an LHQ và nhóm G-8 (nhóm các nước công nghiệp phát triển cao) cần phải được “tái tổ chức” để phản ảnh thế giới ngày nay và chứ không phải là kỷ nguyên hậu Thế chiến thứ hai.

Một cuộc họp gần đây tại Liên Hợp Quốc về cách thức phối hợp tốt nhất các phản ứng toàn cầu trước các thách thức về y tế công cộng đã tạo lên một mô hình kiểu mẫu. Đại diện các chính phủ, các cơ quan Liên Hợp Quốc, các tổ chức phi chính phủ, các công ty dược phẩm, các tổ chức, các nhóm chuyên gia cố vấn, và các trường đại học đều tham dự buổi họp. Thành phần tham dự tương tự cũng có mặt ở cuộc hội nghị về thay đổi khí hậu tháng 12/2007 ở Bali.

Chủ nghĩa đa phương có thể kém trang trọng và toàn diện, nhưng ít nhất nó đang trong giai đoạn đầu tiên. Các mạng lưới cần có bên cạnh các tổ chức. Để tất cả mọi người cùng tán thành về tất cả mọi thứ sẽ ngày càng trở lên khó khăn hơn; thay vào đó, Mỹ nên xem xét việc ký kết các hiệp ước với ít bên hơn và với những mục tiêu hẹp hơn. Thương mại là hình mẫu ở đây, khi mà các hiệp định song phương và khu vực đang lấp đầy khoảng trống do sự thất bại trong việc hoàn tất vòng đàm phán thương mại toàn cầu tạo ra. Có thể áp dụng cách tiếp cận tương tự với vấn đề thay đổi khí hậu, nơi mà các cam kết về từng các khía cạnh của vấn đề (như việc chặt phá rừng) hay thỏa thuận trong phạm vi một số quốc gia (ví dụ như các quốc gia thải nhiều khí carbon) cho thấy tính khả thi cao hơn, trong khi một hiệp ước có sự tham gia của nhiều quốc gia và cố gắng giải quyết mọi vấn đề lại không khả thi.

Thế vô cực khiến cho ngoại giao trở nên phức tạp hơn. Một thế giới vô cực không chỉ có sự tham gia của nhiều thành tố hơn mà còn thiếu hụt những cấu trúc cố định và các mối quan hệ có thể định hình thế giới như đơn cực, lưỡng cực, hay đa cực. Đặc biệt, các khối liên minh sẽ đánh mất dần tầm quan trọng của họ, nếu chỉ bởi vì họ đòi hỏi những nguy cơ, triển vọng, và các nghĩa vụ có thể dự đoán được, trong khi tất cả những điều này chắc chắn sẽ không được cung cấp đầy đủ trong một thế giới vô cực.

Các mối quan hệ thay vào đó sẽ mang tính lựa chọn và tình huống hơn. Việc phân loại các quốc gia là đồng minh hay kẻ thù vì thế sẽ trở lên khó khăn hơn. Việc đáng làm hơn là xây dựng sự đối thoại, liên minh và một chính sách đối ngoại khuyến khích sự hợp tác khi có thể và bảo vệ sự hợp tác này trước sự thất bại của những bất đồng không thể tránh khỏi. Mỹ sẽ không còn sở hữu chính sách đối ngoại xa xỉ “theo tôi hoặc chống tôi” nữa.

Vô cực sẽ khó khăn và nguy hiểm. Nhưng khuyến khích một mức độ hội nhập toàn cầu lớn hơn sẽ góp phần đẩy mạnh sự ổn định. Thành lập một nhóm chính phủ và các tổ chức nòng cốt tận tâm với chủ nghĩa đa phương hợp tác sẽ là một bước tiến lớn tới tương lai. Hãy gọi nó là “vô cực có dự tính”. Nó sẽ không xóa sổ thế vô cực, nhưng nó sẽ góp phần quản lý thế vô cực.

Richard N. Haass *
Theo Foreign Affairs, số tháng 5-6/2008
Mai Hương dịch

* Tác giả Richard N. Haass sinh năm 1951, là Chủ tịch Hội đồng quan hệ quốc tế - một tổ chức độc lập rất có ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao của Mỹ - từ năm 2003. Tổ chức này là nơi xuất bản tạp chí Foreign Affairs.

Ông đã từng làm việc cho bộ Ngoại giao Mỹ, là cố vấn thân cận của cựu Ngoại trưởng Colin Powell, từng làm đại sứ Mỹ tại Afghanistan và Bắc Ireland.
bachduong_m
bachduong_m

Tổng số bài gửi : 162
Join date : 29/01/2008
Age : 41
Đến từ : Yên Phong - Băc Ninh

http://blog.360.yahoo.com/blog-lJB2SNs0ba_vaNH20COOvtFErimT5E8-;

Về Đầu Trang Go down

Kỷ nguyên vô cực - Ai sẽ lên ngôi thay Mỹ? Empty Re: Kỷ nguyên vô cực - Ai sẽ lên ngôi thay Mỹ?

Bài gửi  Sponsored content


Sponsored content


Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết